Loading...
Skip to main content
Giới thiệu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước

Giới thiệu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước

img

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 260,433km. So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí không xa Thành phố Hồ Chí Minh, lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia và là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu ...

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Bình Phước bước vào thời kỳ mới khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều lần tách, nhập về hành chính, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội (Khóa IX) về việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Sông Bé, thành lập hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, ngày 16/12/1996 Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước được thành lập theo Quyết định số 1041/QĐ-QLTA của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997, bao gồm TAND tỉnh và 05 TAND cấp huyện.

Ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, cũng như các ngành khác với trăm thứ bộn bề, khó khăn, nhất là khó khăn về tổ chức cán bộ, biên chế thiếu nghiêm trọng, kinh phí hoạt động của Tòa án quá eo hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn và thiếu thốn. Sau khi có quyết định thành lập, TAND tỉnh Bình Phước chỉ có 12 cán bộ, chưa thành lập được Ủy ban Thẩm phán; trong đó đội ngũ Thẩm phán chỉ có 03 Thẩm phán cấp tỉnh và 07 Thẩm phán cấp huyện; các Tòa chuyên trách cũng chưa được hoàn thiện. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự đảng và Ban Lãnh đạo TAND tối cao và sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND và sự phối hợp, giúp đỡ của UBND, phát huy truyền thống của hệ thống TAND, cùng với sự đoàn kết thống nhất trong mỗi cán bộ, công chức, người lao động (CBCC, NLĐ) TAND hai cấp đã phát huy nội lực, vượt qua những khó khăn, thử thách, vượt lên đã và đang hoàn thiện mình.

Với thời gian 23 năm là một chặng đường không dài, mặc dù bộ máy, số lượng biên chế, đội ngũ cán bộ chưa thật sự được kiện toàn, nhưng cũng đã nói lên sự biến đổi căn bản về chất, cho sự trưởng thành, và phát triển vững chắc về mặt tổ chức và đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND hai cấp. Trong cơ cấu tổ chức TAND tỉnh đã có Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo, Ủy ban Thẩm phán; ở từng đơn vị đã có Chi bộ Đảng đảm bảo cho việc lãnh đạo chỉ đạo vừa mang tính tập trung dân chủ, vừa mang tính tập trung thống nhất trong lãnh đạo. Từ những khó khăn, thiếu thốn ban đầu, song biết tận dụng sự nỗ lực của chính mình và các yếu tố khách quan để biến thành những thuận lợi cơ bản, nên trong 23 năm qua cơ sở vật chất, trụ sở của TAND hai cấp dần được trang cấp đầy đủ, hoàn thiện; CBCC, NLĐ ổn định về tư tưởng, cũng như tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn một cách căn bản ở TAND hai cấp. Hệ thống TAND tỉnh Bình Phước hiện nay gồm TAND tỉnh và 11 TAND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; số lượng biên chế TAND hai cấp tỉnh Bình Phước đến nay đã thực hiện được 188/206 biên chế được phân bổ, trong đó số lượng Thẩm phán đã thực hiện được 91/104 biên chế (TAND tỉnh 13 Thẩm phán trung cấp, 02 Thẩm phán sơ cấp; TAND cấp huyện 22 Thẩm phán trung cấp và 54 Thẩm phán sơ cấp). Đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cao: 6,9% có trình độ sau đại học và 93,1% có trình độ đại học Luật; 14,4% có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 12,8% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Nhìn chung lại, qua 23 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, cùng với yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp tỉnh Bình Phước nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của TAND tối cao, Cấp ủy địa phương, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của UBND và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, nhất là các ngành trong khối Nội chính nên hoạt động của Tòa án trong từng năm qua đã có bước chuyển biến tích cực. Trong công tác xét xử, nhất là từ khi có Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đến nay, chất lượng hoạt động của các đơn vị được hết sức coi trọng và được nâng cao hơn theo tinh thần cải cách tư pháp.

Trong quản lý, chỉ đạo điều hành, Ban cán sự đảng và Ban lãnh đạo TAND tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; từng khâu công tác xét xử của TAND hai cấp cũng được cải tiến và có nhiều tiến bộ; đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, không ngừng cải tiến các quy trình công việc, quy chế hoạt động của cơ quan; thực hiện đơn giản hóa và công khai các trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu của người dân; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tác phong làm việc của CBCC và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân; định kỳ kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính tư pháp. Sự phối kết hợp giữa các ngành, nhất là các ngành tư pháp trong hoạt động tố tụng có nhiều tiến bộ hơn, đã chủ động thống nhất tham gia nhiều quy chế phối hợp với các ngành ở nhiều lĩnh vực trên cơ sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của hệ thống. TAND hai cấp đã tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp và phối hợp với Công an, Viện kiểm sát nhân dân đánh giá rút kinh nghiệm đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên để nâng cao chất lượng tranh tụng trong tất cả các phiên tòa; nâng cao trách nhiệm, tính chủ động và vai trò của cơ quan xét xử cùng với các ngành bảo vệ pháp luật thực hiện các biện pháp đồng bộ để giảm cho được tình trạng vi phạm, tội phạm đang diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm nghiêm trọng, góp phần thực hiện mục tiêu 5 giảm của tỉnh nhà.

Nhờ những nỗ lực phấn đấu không ngừng trong việc kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC, Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân TAND hai cấp, không ngừng cải cách hành chính tư pháp, trong 23 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, TAND hai cấp tỉnh Bình Phước đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Công tác giải quyết án luôn hiệu quả, số lượng án năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1997, số vụ, việc TAND hai cấp thụ lý chỉ có 1.194 vụ, việc các loại, đến năm 2010 tổng số án thụ lý là 4.396 vụ, việc các loại, năm 2014 tổng số án thụ lý là 7.096 vụ, việc các loại và đến năm 2019 tổng số án thụ lý là 8.656 vụ, việc, tăng gấp hơn 07 lần so với thời kỳ đầu tái lập tỉnh. Hiệu quả, chất lượng công tác xét xử ngày càng nâng lên; tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm rõ rệt. Trong xét xử án hình sự, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tộ. Đối với công tác xét xử, giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, do thực hiện tốt công tác chuẩn bị ngay từ giai đoạn thụ lý, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, đến việc áp dụng đúng quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, nên việc giải quyết án bảo đảm khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được đảm bảo.

Cùng với việc triển khai các phong trào thi đua sâu rộng, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến được vinh danh. Cụ thể: 01 đồng chí được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; 02 tập thể và 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 94 lượt tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 26 tập thể được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen (tiêu biểu là Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng; Văn phòng 05 năm liền đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”); 20 lượt cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân”; 487 lượt cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, 107 lượt cá nhân và 254 lượt Hội thẩm nhân dân được Chánh án TAND tối cao tặng bằng khen; 1.670 lượt cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, 501 lượt cá nhân và 445 lượt Hội thẩm nhân dân được Chánh án TAND tỉnh tặng giấy khen; 06 tập thể và 06 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều đồng chí được tặng các danh hiệu thi đua khác. Nhiều tấm gương ở lớp tuổi trẻ đã thể hiện bản lĩnh, sự tận tụy, nhiệt tình trong công tác. Đã tỏ rõ ý chí xung kích trong mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, có tinh thần quyết đoán trong nghề nghiệp, thể hiện tính thận trọng, khách quan, trung thực trong công tác nghiệp vụ.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, TAND hai cấp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do TAND tối cao, Cụm thi đua cũng như chính quyền địa phương, đoàn thể phát động cũng đạt nhiều thành tích cao.

Công tác hợp tác quốc tế được duy trì và ngày càng đi vào thực chất. Thực hiện Thông cáo chung tại Hội nghị giữa Tòa án ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia, TAND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với Tòa án tỉnh T’bong Khmum, Tòa án tỉnh Mondulkiri và Tòa án tỉnh Kratié thuộc Vương quốc Campuchia. Hàng năm, Tòa án các tỉnh luân phiên tổ chức Hội nghị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên khu vực biên giới nhằm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, an ninh, đoàn kết và phát triển bền vững.

Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, diễn biến phức tạp của tội phạm, sự gia tăng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, thêm vào đó là những khó khăn, hạn chế của cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc, giao thông đi lại, trình độ dân trí, nên yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với TAND hai cấp tỉnh Bình Phước là rất nặng nề. Tuy nhiên, trên cơ sở phát huy tinh thần yêu nước, những thành tích đã đạt được với sự quyết tâm đồng lòng, CBCC, NLĐ TAND tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo, gắn với việc thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ và công tâm trong thực thi nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chủ đề đã được TAND tối cao lựa chọn “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” của hệ thống Tòa án./.

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước.

img


cdscv